Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Thị trường đóng cửa
Điều gì đang xảy ra khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới?
Chuyên mục:

Tài chính

Vietnam+ | 21:49
Google news

Chiều ngày 9/5, bất chấp giá vàng thế giới đang giảm, giá vàng trong nước liên tục tăng cao và vượt lên mốc 89,3 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó (ngày 8/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu vàng miếng. Vậy điều gì đang xảy ra với vàng khi giá liên tục lập đỉnh mới và liệu giải pháp đấu thầu vàng có khả thi để cân bằng thị trường vàng?

Giá vàng liên tục lập đỉnh mới, lên 89,3 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi giá vàng trong nước không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn đi ngược với giá vàng thế giới hiện nay. Giải thích lý do này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, có 3 lý do chính để giá vàng trong nước tăng cao mạnh mẽ.

Thứ nhất, giá vàng tăng do nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, cùng với bất ổn kinh tế cũng như chính trị.

Thứ hai, trong vòng 2 năm nay, Việt Nam không có cung vàng miếng ở thị trường nội địa trong khi nhu cầu vàng miếng mỗi năm đều có, đặc biệt nhu cầu vàng năm 2022 - 2023 tăng mạnh.

Thứ ba, là do kênh bất động sản (BĐS) suy thoái, cộng với năm 2023 lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, dẫn đến dòng tiền đầu tư chuyển sang vàng. Theo đó, bước sang năm 2024, nhu cầu mua vàng càng tăng rất mạnh và vượt qua cả thế giới.

“Ba tác động này làm cho giá vàng không chỉ tăng, mà còn chênh lệch cao với giá vàng thế giới, chứ không phải do chính sách vĩ mô của nước ta bị yếu kém, cũng không phải do Nhà nước cung tiền để lạm phát”, chuyên gia Đinh Thế Hiển khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Đinh Thế Hiển, giá vàng tăng còn do yếu tố tâm lý tác động, do nền kinh tế đang khó khăn, nên người dân xem vàng là kênh trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, so với giai đoạn bất động sản (BĐS) tăng trong năm 2020 - 2021, thì giá vàng tăng không đáng kể, mới chỉ khoảng 20 - 21%, trong khi giá BĐS tăng trong thời điểm đó lên đến 100%, thậm chí có khu vực 200%. Khi tâm lý nhà đầu tư khi dồn tất cả tài sản để đầu tư thì chắc chắn kênh đầu tư đó sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu việc đầu tư bị dẫn dắt bởi tâm lý thì chỉ có số đông bị thiệt, số ít còn lại có thể vào - ra đúng xu thế.

Bên cạnh đó, việc cuối tháng 4 vừa qua, NHNN đã đưa ra giải pháp đấu thầu vàng miếng để hạ nhiệt giá vàng trong nước, thế nhưng hầu hết các phiên đấu thầu vàng đều thất bại (3/5 phiên bị hủy), cũng như chưa có lượng cung vàng nào ra thị trường, điều này làm cho giá vàng càng tăng.

“Sắp tới, nguồn cung vàng cũng chưa có nên khi nhu cầu tiếp tục tăng thì giá vàng càng tăng là điều dễ hiểu”, ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cũng được đặt ra về đấu thầu vàng miếng liệu có phải là giải pháp khả thi hay không? Thực tế cho thấy, ngày 8/5, NHNN tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Lần đấu thầu này là lần thứ hai thành công, với 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng, chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng vàng chào thầu. Giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng. Trong khi các phiên trước đó, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Như vậy, phiên đấu thầu này, các doanh nghiệp đã phải trả giá cao hơn để trúng thầu và giá gần như sát với giá thị trường là 87,5 triệu đồng/lượng (ngày 8/5).

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng, thay vì 1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các DN đều cho rằng giá còn cao.

Theo ông Khánh, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.

“Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có đề xuất NHNN cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung”, ông Khánh chia sẻ thêm.

Tương tự, ông Đinh Thế Hiển cũng đồng tình quan điểm phải sửa gấp Nghị định 24, bởi từ khi ra đời, hơn 10 năm qua, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng, trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.

“Giải pháp đấu thầu vàng miếng vẫn chưa phù hợp để quản lý thị trường vàng trong nước hạ nhiệt với mức giá hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Thực tế, việc đấu thầu vàng miếng chỉ giúp NHNN cung vàng ra thị trường với một mức giá hợp lý, sát với giá thị trường, mà không bị trách nhiệm. Bởi, nếu NHNN cung vàng với giá thấp quá thì sẽ bị trách nhiệm, mà giá quá cao thì các tổ chức vàng không mua nên biện pháp này chỉ là giải pháp giảm trách nhiệm về định giá vàng”, ông Đinh Thế Hiển cho biết.

Chính vì vậy, việc đấu thầu vàng miếng của NHNN không giải quyết được yếu tố vì sao giá vàng trong nước quá chênh lệch với giá vàng thế giới, mà chỉ là làm sao đưa vàng ra có mức giá sát với thị trường. Như vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho việc quản lý giá vàng hợp lý.

Để có thể thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp thị trường và giải pháp hành chính.

Đầu tiên, Nhà nước phải kiểm soát có điều kiện vàng, bởi không thể nhập số lượng lớn vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Do đó, Chính phủ phải tính toán một lượng vàng vừa đủ để nhập về nhằm đáp ứng chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu người dân hợp lý. Nếu như trong một giai đoạn nhất định mà nguồn cầu quá mạnh, trong khi nguồn cung chỉ có thể đáp ứng một cách vừa phải, Chính phủ phải chấp nhận giá vàng tăng và đây là điều bình thường. Chờ đến lúc nào nhu cầu vàng hạ nhiệt do giá vàng thế giới hạ nhiệt, khi lãi suất tiết kiệm không còn giảm nữa, hay BĐS phục hồi, thì giá vàng mới trở về trạng thái cân bằng.

Ngoài ra, lượng cung vàng phải có kế hoạch theo từng giai đoạn và cung dần dần, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vàng của người dân. Tuy nhiên, những giải pháp này phải thực hiện đồng bộ và từ từ. Song song đó, NHNN và các cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết vấn đề trục lợi giá vàng hiện nay, xử lý buôn lậu và mua vàng không nguồn gốc. Cụ thể là siết chặt quản lý các cửa hàng kinh doanh vàng, trong đó có giải pháp mua vàng lượng phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng để quản lý vấn đề kinh doanh mua bán vàng, thì mới khắc phục được một giai đoạn giá vàng chưa hạ nhiệt, hay chênh lệch giá vàng thế giới; đồng thời có thể tránh được "chảy máu" USD qua đường buôn lậu vàng để trục lợi.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, những người đầu tư dài hạn và an toàn không nên chạy theo đầu tư vàng. Bởi giai đoạn hiện nay, nếu đầu tư vàng thì sẽ đối đầu với nhiều rủi ro. Rủi ro thứ nhất là giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD/lượng; thứ hai là khả năng lên và xuống như nhau; thứ 3 là giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang chênh lệch quá lớn.

Hải Yên/Báo Tin tức

Link gốc

Thị trường đóng cửa
GC=F
THUẬT NGỮ TRONG BÀI
term AI
Các thuật ngữ được trích xuất trong tin bài và giải thích ngắn ngọn bằng AI. Nếu muốn xem thêm về Thuật ngữ, vui lòng xemtại đây.
Sao chép liên kết để chia sẻ bài viết lên Facebook, Zalo,...
Cùng chuyên mục
Cỡ chữ
NhỏLớn